Tin tức

Dụng cụ trợ giúp với người khuyết tật

Dụng cụ trợ giúp với người khuyết tật

BVPHCNBINHDINH.COM.VN »

04/04/2016 | 11:21

Người
khuyết tật (NKT) được biết đến là những người mang khiếm khuyết một hay nhiều
phần cơ thể. Đối với họ, dụng cụ trợ giúp, phục hồi chức năng là phương tiện
quan trọng giúp họ phục hồi sức khoẻ, dễ dàng hoà nhập cộng đồng, đặc biệt là
với NKT vận động. Tuy nhiên, NKT thường cũng là những người nghèo, việc tự
trang trải kinh phí để có được một dụng cụ hỗ trợ phù hợp thực sự rất khó khăn.
Trong khi đó, chính sách của nhà nước về vấn đề cung cấp miễn phí, thanh toán
bảo hiểm xã hội các loại dụng cụ này vẫn còn nhiều bất cập.

          Khái
niệm và phân loại dụng cụ trợ giúp

Phục hồi chức
năng là một ngành được xây dựng trên cơ sở y học hiện đại. Trải qua nhiều năm
nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, ngành phục hồi chức năng đã chứng minh vai
trò của mình trong việc không chỉ giúp NKT thích nghi với môi trường sống mà
còn tác động vào môi trường và xã hội tạo nên khối thống nhất cho quá trình hòa
nhập của NKT.

Dụng cụ trợ
giúp, phục hồi chức năng là những dụng cụ hỗ trợ cho NKT thực hiện các hoạt
động giúp tăng cường hoặc cải thiện những chức năng bị giảm sau khi bệnh hoặc
tai nạn. Dụng cụ trợ giúp là một bộ phận quan trọng trong phục hồi chức năng,
nó giúp NKT khắc phục được những vấn đề giảm khả năng và ngăn ngừa các biến
dạng do sai tư thế.

Đặc biệt ở các
tuyến cơ sở, điều kiện kinh tế khó khăn hơn, việc tiếp xúc với công nghệ thông
tin hạn chế hơn, do đó dụng cụ trợ giúp giúp những người có khó khăn vận động
dễ tham gia các hoạt động xã hội hơn. Người ta thường chia các dụng cụ phục hồi
chức năng thành 4 nhóm: dụng cụ vật lý trị liệu, dụng cụ giúp NKT di chuyển vị
trí này sang vị trí khác (xe lăn, thanh song song tập đi, khung tập đi, nạng
nách, nạng khuỷu…), dụng cụ trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày (bàn ăn tại
giường, tay cầm bằng gỗ, tay cầm bằng vải…), dụng cụ chỉnh hình (là những dụng
cụ để phòng ngừa hay nắn chỉnh sự lệch trục của chi thể. Có thể kể đến các loại
máng, nẹp như nẹp cổ tay, nẹp chân, nẹp đỡ….) và dụng cụ thay thế (là những
dụng cụ dùng để thay thế một bộ phận cơ thể đã mất với mục đích thẩm mỹ hay
chức năng, thường được sử dụng là chân, tay giả). Trong đó, dụng cụ chỉnh hình
và dụng cụ thay thế có vai trò quan trọng trong phục hồi chức năng cho NKT.


Chân, tay giả có vai trò quan trọng trong phục hồi
chức năng cho NKT

Dụng cụ chỉnh
hình gồm các loại máng, nẹp dùng cho NKT bị suy giảm vận động, biến dạng, mục
đích nâng đỡ, trợ giúp, điều chỉnh thích nghi hay ngăn ngừa biến dạng, giữ gìn
khớp bị tổn thương. Nẹp chỉnh hình có thể được chế tạo bằng các loại vật liệu
khác nhau, được gắn bên ngoài hệ cơ – xương, dùng cho người bệnh bị suy giảm
khả năng vận động và những biến dạng cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nẹp
có rất nhiều chức năng, như: nâng đỡ, trợ giúp,cố định, định hướng, nắn chỉnh
và ngăn ngừa biến dạng chi thể, cơ thể. Đối với sự tổn thất chức năng của chi
dưới thì vấn đề giải quyết chống đỡ rất quan trọng vì nó phải chịu tải trọng
của toàn cơ thể dồn xuống. Nhờ có sự chống đỡ của một chi tiết cơ khí đối với
phần khớp bị hủy hoại hoặc suy giảm chức năng, chân sẽ giành lại được khả năng
đi đứng. Dụng cụ chỉnh hình được đánh giá hoàn trả lại một cách tối đa các chức
năng đã bị giảm cho NKT.

Vai
trò của dụng cụ trợ giúp với NKT

Vai trò cũng
như hiệu quả mà các dụng cụ hỗ trợ và phục hồi chức năng có thể mang lại cho
cuộc sống của những NKT là rất to lớn. Chúng ta thường biết đến một dụng cụ hỗ
trợ khá phổ biến là áo nẹp cột sống. áo nẹp được xếp vào loại dụng cụ chỉnh
hình, ngoài tác dụng tránh cho cột sống khỏi biến dạng nặng hơn đối với các
tình trạng khuyết tật như gù vẹo, gãy cung tiếp các đốt sống, lao cột sống… còn
phòng ngừa đau cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm. áo nẹp cột sống có hiệu
quả quan trọng trong ngăn chặn tiến triển của vẹo cột sống, giảm tỷ lệ phẫu
thuật. Ngoài áo nẹp cột sống nói riêng, áo nẹp chỉnh hình nói chung (bao gồm
nhiều loại như áo nắn chỉnh cột sống, áo nẹp mềm, áo nẹp cứng….dùng để cố định
vùng vai, lưng, cột sống, xương chậu), cũng là một trong những dụng cụ chỉnh
hình giúp điều trị và phòng ngừa các biến chứng trong cong vẹo cột sống (đặc
biệt ở trẻ em). Mục đích của áo nẹp chỉnh hình là giúp cho đường cong vẹo cột
sống không bị tăng thêm, đồng thời nắn chỉnh lâu dài, làm ổn định và bền vững
cột sống ở tư thế đúng. Các biến chứng của cong vẹo cột sống có thể kể đến như
đau lưng liên tục, viêm đốt sống, khó thở khi lồng ngực bị nén…


Với NKT ở độ tuổi thanh, thiếu niên việc sử dụng các
dụng cụ trợ giúp phù hợp với thể trạng là một thách thức do những khó khăn về
kinh tế

Bên cạnh dụng
cụ chỉnh hình khuyết tật, dụng cụ thay thế cũng có vai trò tích cực đối với
NKT. Những dụng cụ như chân giả, tay giả ngoài việc hỗ trợ NKT có thể đi lại dễ
dàng hơn, sử dụng cánh tay thuận tiện hơn còn giúp làm cân bằng cơ thể, tránh
khả năng bị dồn trọng lực cơ thể xuống một bộ phận khác của cơ thể. Bên cạnh
đó, tình trạng tim mạch của NKT sử dụng chi giả sẽ được duy trì thông qua việc
đi bộ, đạp xe… Một tác động nữa của việc sử dụng chi giả là sẽ giúp NKT giảm
mức độ nghiêm trọng và tần suất của hiện tượng “chi ma”. Đau chi ma là đau sau
khi đã bị cắt mất chi mà bệnh nhân vẫn bị đau như còn chi đó. Cảm giác chi ma
là cảm giác phần chi bị cắt mất như vẫn còn, gồm: nóng rát, cảm giác kiến bò và
chuột rút. Đôi khi những dụng cụ này là có nhiệm vụ bù đắp một số tính năng còn
thiếu ví dụ như đối với những người mắc bệnh tê liệt các cơ bắp đùi thì họ sẽ
không thể duỗi thẳng chân; nẹp chỉnh hình sẽ giải quyết vấn đề này cho họ. Các
dụng cụ chỉnh hình cũng được sử dụng để sửa chữa một vị trí hoặc tránh những
biến dạng trong tương lai.

Cùng với dụng
cụ chỉnh hình và dụng cụ thay thế, các loại dụng cụ vật lý trị liệu, dụng cụ hỗ
trợ NKT di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác như xe lăn, xe lắc, thanh song song
tập đi, khung tập đi, nạng nách, nạng khuỷu… cũng rất quan trọng trong quá
trình hỗ trợ NKT hoà nhập cộng đồng.

Hiện nay nhu
cầu sử dụng dụng cụ phục hồi chức năng của NKT là rất lớn. Một số dụng cụ trợ
giúp cho NKT có thể làm ngay tại cộng đồng với nguyên liệu sẵn có như: tre, gỗ,
kim loại… Những dụng cụ này giá thành thấp, hữu ích đáp ứng một phần nhu cầu
của NKT. Nhưng, về lâu dài và để đáp ứng cho nhu cầu của số đông NKT, các dụng
cụ chỉnh hình được sản xuất theo tiêu chuẩn với nguyên vật liệu được kiểm định
của cơ sở y tế là xu hướng tất yếu. Với sự hỗ trợ của công nghệ cao, các dụng
cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng dành cho NKT ngày càng thông minh, tiện lợi
hơn với kích thước nhỏ gọn, giúp NKT dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, sự
tiện dụng cũng đi kèm với chi phí và giá cả của các loại dụng cụ này. Trong khi
điều kiện kinh tế, sức khoẻ của NKT đều được biết đến là khó khăn hơn những
người khác. Để NKT có thể tiếp cận và sử dụng các dụng cụ phù hợp còn có rất
nhiều những trở ngại.

Khó
khăn trong việc tiếp cận, sử dụng dụng cụ trợ giúp

Ngày nay, dụng
cụ hỗ trợ NKT đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của NKT. Có
thể thấy rằng, các dụng cụ phục hồi chức năng này không chỉ dừng lại ở việc “hỗ
trợ” mà còn duy trì sức khỏe lành mạnh, từ đó NKT có thể tiếp cận với nhiều
hoạt động xã hội khác nhau. Việc lắp các bộ phận chân, tay giả, nẹp chỉnh hình
không còn quá xa lạ với cộng đồng. NKT có thể dễ dàng đến các bệnh viện, trung
tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng để tiếp cận với các dụng cụ chỉnh hình và
chương trình phục hồi chức năng. Tuy nhiên, đối với NKT ở các vùng nông thôn,
miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa thì vấn đề này lại không đơn giản như vậy.

Ở các vùng
nông thôn, miền núi, do điều kiện kinh tế khó khăn, NKT khó được tiếp cận với
các dịch vụ chỉnh hình, nhận thức về vai trò của dụng cụ trợ giúp không được
đầy đủ, chưa kể đến việc các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng
lại hạn chế. Nhiều NKT vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của dụng cụ chỉnh
hình phục hồi chức năng trong cuộc sống cũng như bảo vệ sức khỏe lâu dài. Dẫn
đến tình trạng có nhiều NKT cho rằng những dụng cụ này không cần thiết, việc sử
dụng các dụng cụ khiến họ không thoải mái hoạt động và sinh hoạt, và nếu không
sử dụng cũng không ảnh hưởng gì đến NKT.


Với sự hỗ trợ của xe lăn, nhiều NKT đã tự tin hoà nhập
cộng đồng, tham gia sinh hoạt văn hoá, thể thao và lao động sản xuất

Trong một vài
năm gần đây, việc cung cấp các dụng cụ chỉnh hình thường do các bệnh viện,
trung tâm, các tổ chức quốc tế hỗ trợ các chuyến khám và kiểm tra lưu động, đến
từng địa phương để cung cấp dịch vụ. Quy trình phục hồi chức năng lưu động có 3
giai đoạn gồm: đo khám và bó bột, sản xuất và thử thiết bị và cuối cùng là
chỉnh sửa và cấp phát. Một quy trình như vậy thường mất khoảng 1 tháng cho một
nhóm đối tượng. Quy trình này sẽ mất rất nhiều thời gian nếu NKT ở các địa
phương khó khăn trong việc đi lại và không phải lúc nào các bác sĩ, cán bộ phục
hồi chức năng có thể đến trực tiếp các địa phương để tư vấn và hướng dẫn nhiều
lần. Việc cấp phát chân tay giả đã được các tổ chức triển khai rải rác ở các
địa phương. Tuy nhiên số lượng người tiếp nhận được các dụng cụ này vẫn chưa
nhiều, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của đa số NKT.

Chi phí cao
cũng là một e ngại để NKT chưa tìm đến với các dịch vụ này và sử dụng chúng như
một bộ phận của cơ thể. Thông thường, một bộ chân, tay giả có giá từ vài trăm
nghìn đồng đến vài triệu. Các dụng cụ thay thế này lại phải thay mới trong một
khoảng thời gian nhất định, nhất và với những NKT trong độ tuổi thanh, thiếu
niên. Sự phát triển của cơ thể đòi hỏi các dụng cụ trợ giúp phải thay đổi cho
phù hợp với thể trạng và độ tuổi của đối tượng. Bảo hiểm y tế là sự hỗ trợ lớn
của nhà nước trong việc chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng và hỗ trợ NKT hoà
nhập cộng đồng. Với sự quan tâm của nhà nước với nhiều chính sách ưu đãi, nhiều
kỹ thuật, dụng cụ hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng cho NKT đã được bảo hiểm xã
hội thanh toán.

Tuy nhiên,
theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế thì việc sử dụng các vật tư y tế thay thế
bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện
trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng không được
bảo hiểm y tế thanh toán. Luật NKT mới chỉ đề cập đến chế độ ưu đãi của nhà
nước với cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức
năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và lao động cho NKT mà chưa đề cập đến việc
cấp, phát các dụng cụ trợ giúp này cho NKT. Những bất cập này đang là nỗi trăn
trở không nhỏ đối với cộng đồng NKT và rất cần được các cơ quan chức năng
nghiên cứu, giải quyết. 

Nguồn: Tạp
chí Người Bảo Trợ

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Thông tin y học
Đợt điều trị giải độc và phục hồi chức năng đầu tiên cho nạn nhân phơi nhiễm chất độc hóa học tỉnh Bình Định – 08/06/2017
Qui trình giải độc và phục hồi chức năng cho nạn nhân tại Bệnh viện PHCN tỉnh Bình Định – 22/05/2017
Bệnh viện Phục hồi chức năng triển khai kỹ thuật mới Thủy trị liệu và Xông hơi ướt. – 19/03/2017
Tăng cường hợp tác đáp ứng yêu cầu Khám chữa bệnh và Phục hồi chức năng của nhân dân – 10/06/2016
Dụng cụ trợ giúp với người khuyết tật – 04/04/2016
Tài liệu Hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng – 03/12/2015
Ứng dụng “Chương trình tập Williams” để điều trị cho bệnh nhân đau thắt lưng mãn tính. – 15/09/2015
Giá trị các yếu tố vi lượng trong nước khoáng nóng – 15/09/2015
Điều trị hiệu quả chứng Thoát vị Đĩa đệm bằng Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng. – 15/09/2015
Tác dụng điều trị của nước khoáng nóng – 15/09/2015
Từ trường và ứng dụng trong chữa bệnh – 30/07/2015
Tác dụng điều trị của Xông hơi thuốc Bắc – 30/07/2015
Bồi bổ sức khỏe thai phụ với món ăn từ cây ích mẫu – 29/07/2015
Điều trị bằng sóng ngắn – 28/07/2015
Chống chỉ định khi tắm nước khoáng nóng – 23/07/2015
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn bvphcnbinhdinh.com.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2022 - 2024 | bvphcnbinhdinh.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status